Làm thuê: đầu tiên và cuối cùng. Bản tin số 6
Làm thuê: quyết định đầu tiên và cuối cùng. Bản tin tài chính cá nhân số 6!
Làm thuê: đó là thứ ai cũng phải đối mặt. Cho dù bạn làm công chức nhà nước, hay làm cho một công ty, bạn vẫn chỉ là làm thuê cho 1 tổ chức.
Có lẽ làm thuê, từ mà Khanh cực kỳ dị ứng, ngay từ khi mới ra trường bắt đầu đi làm. Cũng cách đây chừng hơn 2 chục năm. Cứ nghe sếp nói mình cũng chỉ là người đi làm thuê là trong người cứ có gì đó bực bội, khó chịu, hậm hực.
Cảm giác này vẫn đôi khi xuất hiện trở lại cho dù có những lúc mình đã bứt ra khỏi kiếp làm thuê được một thời gian.
Nhưng có lẽ đây là thiết kế của xã hội, kiểu gì bạn vẫn phải đi qua bước này đã.
Làm thuê là gì?
Về tài chính cá nhân, làm thuê là cách kiếm tiền đầu tiên, dễ nhất mà ai cũng có thể làm được.
Đó là việc bạn đi làm cho 1 công ty, 1 tổ chức để kiếm được 1 nguồn thu nhập chủ động. Bằng việc bỏ công sức ra để có nguồn thu nhập này.
Làm thuê có thể kéo dài tới 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam cho thế hệ của bạn (và Khanh cũng vậy thôi) theo như quy định bây giờ. Tới lúc đó bạn được nghỉ hưu và có lương hưu nếu bạn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội lựa chọn hay bắt buộc ở bản tin số 3
Liệu con đường làm thuê này có giống nhau với tất cả mọi người không?
Có người suốt cả cuộc đời này chỉ có 1 trải nghiệm: đi làm thuê cho đến khi nghỉ hưu. Không sao cả nếu bạn thuộc số đó. Đó là số đông.
Đến bây giờ Khanh cũng có tới 20 năm đi làm thuê và thời gian đóng BHXH cũng chừng đó.
Làm thuê là cách để bạn có 1 nguồn thu nhập: và đây chính là nguồn tài chính đầu tiên trong hạng mục tài chính cá nhân của bạn: nguồn thu hay thu nhập.
Ngoài làm thuê thì bạn cũng có thể làm chủ.
Hoặc ở dạng nửa chừng: vừa làm thuê và vừa làm chủ.
Còn dạng nữa là chả làm thuê mà vẫn có tiền. Dạng này là số ít. Đó là các ông chủ lớn suốt ngày đi đánh golf ấy.
Lại bàn thêm về mấy vấn đề mang tính thời sự với chủ đề làm thuê.
Tại sao bạn làm thuê lâu lâu lại chán?
Có thể nó xuất phát từ tính chất công việc của bạn.
Nếu công việc mà bạn nhận lương theo thời gian thì về lâu dài (chỉ cần sau 1 vài năm) là bạn đã mất đi động lực làm việc.
Cứ đi làm để sao cho hết thời gian, cuối tháng lĩnh tiền.
Cái cảm giác cuối tháng đi làm chỉ để lĩnh tiền lương. Làm cho nó nó. Rồi xuất hiện những việc ăn cắp thời gian làm việc 1 cách tinh vi.
Nhiều khi nó không nằm trong chủ ý của bạn mà do 1 cơ chế tự động nào đó dẫn dắt đến những hành động như thế.
Cách trả lương này khá nguy hiểm mà đôi khi bạn có ảo tưởng về sự ổn định trong khi năng lượng làm việc của mình càng tụt lùi.
Cách trả lương làm thuê thứ 2 thì sao: nếu trả theo sản phẩm hoặc doanh thu.
Lương theo sản phẩm thường ở những khối sản xuất, trường hợp này bạn làm những công việc trực tiếp. Có công việc tay nghề thấp, có công việc tay nghề cao.
Hãy cố kiếm lấy doanh nghiệp mà họ thu xếp được cho bạn công việc đều đặn: có sản phẩm đều đặn để thu nhập được ổn định.
Nó cũng khá khẩm hơn đối chút so với cách 1.
Còn thu nhập từ doanh thu hay hiệu quả hoạt động thì sao.
Đây quả là thách thức vì thường cách trả lương này đòi hỏi bạn chỉ có thu nhập khi có doanh số hoặc khi có hiệu quả. Nguồn thu nhập sẽ phập phù.
Nhưng điều quan trọng là nó đòi hỏi bạn có kỹ năng bán hàng: một kỹ năng luyện tập không hề dễ dàng chút nào.
Lương theo doanh số thường thì dành cho những người làm ở bộ phận kinh doanh.
Mà nói thật là Khanh rất ngưỡng mộ dân kinh doanh.
Trong nhiều năm dài mình không thích kinh doanh.
Thậm chí có gì ghét cay ghét đắng.
Trải nghiệm khiến mình thay đổi
Có thời gian tổng cộng chừng 6 năm đi làm cho ngành bảo hiểm. Bạn tưởng tượng là bên kinh doanh họ coi mình chả là cái gì (mặc dù lúc đó Khanh làm ở bên kế toán -phụ trách mảng này- cũng gọi là có vị trí ảnh hưởng chỉ sau giám đốc).
Có lẽ làm kế toán trong ngành bảo hiểm là áp lực nhất.
Bạn vừa phải xử lý làm thế nào để cho đúng các quy định mà vẫn hỗ trợ cho yêu cầu kinh doanh tốt nhất.
Thường xuyên đối mặt với những câu hỏi đau đầu không đúng luật mà khối kinh doanh họ hỏi, cả vô tình hay cố ý.
Toàn những yêu câu không phải lách luật mà hoàn toàn sai luật.
Tuy nhiên, khi giải quyết công việc mình trở nên hiểu kinh doanh cũng có áp lực của họ. Rất lớn là đằng khác.
Từ đó hướng đến cách trả thu nhập kiểu thứ 3:
Một phần thu nhập được cố định. Phần còn lại theo doanh số.
Thu nhập chỉ ăn theo doanh số thì tạo ra áp lực lớn.
Đôi khi dẫn đến cách làm bất chấp để có doanh thu. Có doanh thu mới có tiền.
Lúc này kỹ thuật bán hàng bất chấp được áp dụng triệt để. Nhưng làm quá có thể đối mặt với nguy cơ lừa dối khách hàng.
Phần thu nhập cố định trả mức mức tối thiểu để giải quyết cho vấn đề này.
Bạn thấy đấy:
Làm thuê đối mặt cả đời với những việc như vậy.
Đến chừng giữa giữa khoảng 40 tuổi, bạn bắt đầu đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên.
Làm thuê là cách kiếm thu nhập đầu tiên.
Liệu làm thuê có là con đường cuối cùng không?
Bạn có thể chuyển đổi công ty, để test các môi rường khác nhau.
Đó cũng là cách đáng để bạn làm.
Bạn có vượt qua được khủng hoảng tuổi trung niên không?
Nếu không vượt qua thì bạn phải chấp nhận công việc chán chường đến như vậy đến khi nghỉ hưu theo luật.
Một số người chán và bỏ đi để làm cái gì đó riêng cho mình. Nếu bạn có ý tưởng đó thì cũng hay. Đôi khi gọi là khởi nghiệp hay lập nghiệp.
Một số người đổi nghề.
Tuy nhiên, cá nhân Khanh vẫn xác định: Làm thuê vẫn là con đường hay lựa chọn cuối cùng để mình có thu nhập. Nhất là khi bạn dấn bước sang con đường kinh doanh hay khởi nghiệp mà bị thất bại (mà xác suất thất bại khá cao).
Chúc bạn vui vẻ và có ý tưởng về hạ cách an toàn ở tuổi nghỉ hưu. Nghỉ hưu có lẽ bạn không cần lo lắng về tài chính nữa.
Bạn có bình luận gì không có khi Khanh lại có ý tưởng nào đó từ bạn. Nếu thích bạn hãy share bài này nhé, tất nhiên là tới những người bạn thấy họ quan tâm tới chủ đề này.